Tác giả: Cao Nam Hưng
Thực phẩm hữu cơ trở nên phổ biến dù có giá thành cao, nhưng việc lựa chọn thực phẩm hữu cơ thay cho thực phẩm thông thường đã trở thành một thước đo mới thể hiện trách nhiệm với môi trường trong vài năm trở lại đây. Được đánh giá là tốt hơn cho sức khỏe, tự nhiên hơn và lành mạnh hơn nhưng thật sự chúng ta đã hiểu rõ về thực phẩm hữu cơ? Hãy cùng KTHGĐ tìm hiểu qua bài viết nhé.
Thực phẩm hữu cơ (hay còn được gọi là Organic Food) được nhiều người biết đến là sản phẩm bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe hơn các sản phẩm thông thường vì niềm tin rằng nó được canh tác 1 cách hoàn toàn ‘tự nhiên’.
Nhưng trên thực tế các loại thực phẩm hoặc sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là sản phẩm được sản xuất bằng các phương pháp đã được phê duyệt dựa theo tiêu chuẩn đánh giá kèm theo như những vấn đề về đất trồng, kiểm soát sâu bệnh, cỏ dại, diện tích nuôi trồng và khu vực xung quanh trang trại.
Những quy định về tiêu chuẩn hữu cơ ở mỗi khu vực lại có nhiều sự khác nhau nên dẫn đến việc thực phẩm hữu cơ chỉ là một tên gọi mơ hồ và không có quy chuẩn đáng tin cậy. Điển hình như USDA - Bộ nông nghiệp Mỹ cũng đã mắc phải làn sóng phản đối khi không công khai rõ ràng về sự khác nhau giữa thực phẩm hữu cơ và thực phẩm thông thường trong khi giá cả lại cao hơn nhiều.
Trong canh tác thực phẩm hữu cơ, giải pháp sử dụng thuốc trừ sâu vẫn được cho phép sử dụng. Thế vậy thuốc trừ sâu sử dụng trong nuôi trồng thực phẩm hữu cơ khác gì so với trong nuôi trồng thông thường? Thật ra không có quá nhiều sự khác biệt và điều hiển nhiên là mọi loại thuốc trừ sâu đều có độc.
Nếu môi trường là mối quan tâm của bạn, việc mua và sử dụng các sản phẩm “hữu cơ” sẽ không phải là phương pháp giải quyết cho mối quan tâm ấy. Cùng một lượng khí thải nhà kính ra như nhau thì mô hình trồng thực phẩm hữu cơ sử dụng ít năng lượng hơn nhưng đổi lại phải tốn nhiều diện tích trồng trọt hơn để bằng số lượng sản phẩm theo mô hình thông thường.
Theo các nghiên cứu đã đưa ra, không có nhiều thông tin khẳng định chất dinh dưỡng mà thực phẩm hữu cơ mang lại có sự chênh lệch nhiều so với các thực phẩm thông thường. Từ hữu cơ không phải là một khẳng định về sức khỏe, đây chỉ đơn giản là một nhãn dán cho biết sản phẩm đó được trồng theo quy định tại khu vực đó.
Đã có cuộc khảo sát từ năm 2014 tại Mỹ, trong hầu hết người tiêu dùng mua các sản phẩm hữu cơ có rất ít người thực sự phân biệt được hàng hữu cơ là gì, và đến năm 2020, tổng doanh số bán hàng đã tăng vọt lên hơn 61 tỷ USD. Với việc đề cao sức khỏe của người tiêu dùng, chúng ta sẵn sàng chi mức giá cao hơn cho những gì mà chúng ta cho là tốt hơn ngay cả khi không có điều gì là chắc chắn.
Tại Việt Nam, các nhãn hàng, cửa tiệm kinh doanh thực phẩm hữu cơ cũng nổi lên rất nhiều trong những năm gần đây khi đây đang là xu hướng mua sắm mới của giới trẻ. Thị trường hữu cơ đã và đang được nhiều doanh nghiệp từ nhỏ tới lớn tại Việt Nam chú ý đến. Tại các điểm bán hàng, chúng ta có thể dễ dàng thấy một hộp sữa quen thuộc ở trên kệ hàng nhưng lại có giá cao hơn gấp 3 lần khi có thêm mác ‘Organic’.
Cả kênh bán hàng hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị tiện lợi và sàn thương mại điện tử đều khá nhộn nhịp. Điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm khi nhiều cửa hàng cố tìm cách để dán nhãn những thực phẩm thường nhằm biến chúng thành thực phẩm hữu cơ và nâng giá bán cao gấp vài lần.
Như vậy, việc được dán nhãn thực phẩm hữu cơ chỉ thể hiện 2 điều: Đây là thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đáng tin cậy và những thực phẩm này không sử dụng các chất trừ sâu tổng hợp. Những bằng chứng trong việc chứng minh thực phẩm hữu cơ tốt và an toàn hơn các thực phẩm thông thường chưa thực sự đầy đủ và thuyết phục.
Tham khảo: CNBC