Tác giả; Trần Hoàng Long
Khủng hoảng chip bán dẫn là một vấn đề đang nóng gần đây, thậm chí được nhắc đến như chủ đề trọng tâm trong chuyến viếng thăm của phó thủ tướng Mỹ Kamala Harris ở Việt Nam. Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng chip chỉ thực sự xảy ra vài tuần trước, trong giai đoạn cuối tháng 8, hãng gia công linh kiện bán dẫn (chip) lớn nhất thế giới TSMC quyết định sẽ tăng giá chip tới 20% - theo Wall Street Journal. Liệu bước đi này của TSMC sẽ là dấu chấm hết cho những nỗ lực cứu vãn chuỗi cung ứng chip trị giá 500 tỷ USD?
Hãy tưởng tượng nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng chip bán dẫn như một quả cầu tuyết nhỏ nhưng được lăn từ trên một đỉnh núi dốc. Và Mỹ là quốc gia đầu tiên phát động trò chơi này khi vào tháng 5/2020, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra chính sách ngăn chặn các công ty trên thế giới sử dụng máy móc hay phần mềm của Mỹ để thiết kế, sản xuất chip cho Huawei Technologies hoặc các công ty con của hãng viễn thông Trung Quốc. Chính sách trên của Mỹ nhằm ngăn chặn ý đồ dài hạn của Trung Quốc, giảm bớt rủi ro cho Mỹ, khi toàn bộ số lượng chip nhập khẩu cho nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) hoặc các công ty con của hãng này có thể được chuyển hướng sang mục đích quân sự.
Trước động thái của Mỹ, Huawei đã dùng hết nguồn lực của mình để thu gom và tích trữ nhiều nhất có thể một lượng chip từ Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) - hãng chip lớn nhất thế giới vận hành bởi Đài Loan, trước khi lệnh cấm của Mỹ có hiệu lực. Ước tính Huawei có thể đã mua tới 5 tỷ con chip, tương đương khoảng nửa năm nguồn cung. Cũng tại thời điểm đó, vì muốn tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường điện thoại thông minh, các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc khác như Xiaomi và Oppo cũng tham gia trò chơi, tăng cường tích trữ chip do TSMC sản xuất.
Khi trò chơi bắt đầu trở nên thú vị, dịch Covid 19 bắt đầu tham gia và cho thấy vị thế của mình. Nhu cầu về chip bất ngờ tăng cao ở một số ngành như smartphone và máy tính trong giai đoạn dịch bệnh do nhiều người phải làm việc và học tập từ xa, báo hiệu tình trạng thiếu hụt chip chưa từng có tiền lệ trên toàn cầu. Không dừng lại ở đó, bất ổn do dịch Covid-19 khiến cho việc dự đoán trước nhu cầu của thị trường khó khăn hơn bao giờ hết. Giới sản xuất ôtô bị ảnh hưởng nhiều nhất trong chuỗi khủng hoảng này vì đánh giá thấp nhu cầu mua sắm phương tiện đi lại của khách hàng, nên đã không chuẩn bị đủ lượng chip cần thiết khi đại dịch xảy ra. Tháng 3/2020, đại dịch toàn cầu đã khiến các nhà sản xuất ô tô, nhà cung cấp và đại lý ô tô phải đóng cửa. Nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.
Michelle Krebs, nhà phân tích điều hành của Autotrader, cho biết, các nhà sản xuất ô tô, những người đã trải qua thời kỳ suy thoái trước đây, đã nhanh chóng hủy đơn đặt hàng các bộ phận có chip máy tính, cho rằng doanh số bán ô tô sẽ sụt giảm. Doanh số bán xe ô tô ban đầu giảm mạnh, nhưng nhanh chóng tăng trở lại do nhu cầu bị dồn nén và ưu đãi tài chính 0%.
Ngoài ra, các đại lý đã tìm ra cách bán xe trực tuyến, cung cấp dịch vụ nhận và giao xe tận nhà. Vì vậy, khi các nhà máy hoạt động trở lại, nhu cầu về xe mới tăng mạnh hơn dự kiến đã vượt sản lượng và vẫn chưa thể bắt kịp. Krebs nói: "Các nhà sản xuất ô tô đã liên hệ với các nhà sản xuất chip của họ và đặt hàng lại. Vào thời điểm đó, một số lượng lớn chip đã được tiêu thụ bởi các doanh nghiệp khác - điện thoại, máy tính, trò chơi điện tử - khi mọi người làm việc và học tập tại nhà”. Bên cạnh đó, nhà sản xuất TSMC cho biết, khách hàng trong nhiều lĩnh vực đã hoảng sợ và tích lũy hàng trong kho nhiều hơn mức bình thường để phòng trước những điều bất ngờ, dẫn đến sự thiếu hụt ngày càng trầm trọng.
Cú knock-down cuối cùng diễn ra khi gần đây sự cố mất điện vì bão tuyết ở Austin (Texas) - nơi quy tụ nhiều nhà máy bán dẫn quan trọng, khiến một số nhà máy tạm ngừng hoạt động, như NXP Semiconductors NV (Hà Lan) hay Infineon Technologies (Đức), chuyên cung cấp chip cho ngành công nghiệp ôtô.
Nút thắt cổ chai là khái niệm thường thấy khi đề cập đến chuỗi cung ứng, có thể hiểu đơn giản nó là điểm tắc nghẽn trong hệ thống sản xuất hay dây chuyền lắp ráp. Với chuỗi cung ứng chip, nút thắt cổ chai ở đây là việc có ít nhà sản xuất chip trên toàn thế giới.
Hiện trên toàn cầu chỉ có 3 đến 4 xưởng đúc chiếm phần lớn sản lượng chip thế giới, gồm TSMC, Samsung và một số đối thủ đang ở cách khá xa họ như Globalfoundries có trụ sở tại California. Ước tính 91% hợp đồng sản xuất chip được thực hiện tại châu Á, phần lớn trong số đó chia cho hai khu vực: Đài Loan và Hàn Quốc, quê hương của TSMC và Samsung. Bất kỳ việc tăng giá chip nào cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới các khách hàng.
Đỉnh điểm xảy ra khi chỉ vài tuần trước, trong giai đoạn cuối tháng 8, hãng gia công linh kiện bán dẫn (con chip) lớn nhất thế giới TSMC quyết định sẽ tăng giá chip tới 20%. Động thái này của TSMC có thể sẽ dẫn tới việc người tiêu dùng trên toàn cầu phải trả nhiều hơn khi mua các sản phẩm điện tử. Theo đó, hãng chip Đài loan dự định tăng giá bán những con chip hiện đại nhất thêm khoảng 10%, trong khi giá những con chip khác tăng khoảng 20%. Mức giá mới sẽ được áp dụng ngay trong năm nay hoặc đầu năm tới.
Thương hiệu Apple của Mỹ là một trong những khách hàng lớn nhất của TSMC và điện thoại iPhone sử dụng những con chip hiện đại do TSMC sản xuất. Hiện chưa có thông tin Apple sẽ phải trả thêm bao nhiêu để mua chip từ TSMC. Đợt tăng giá chip này của TSMC diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khan hiếm chip toàn cầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hoạt động sản xuất các sản phẩm từ điện thoại thông minh (smartphone) cho tới ô tô.
Do không có đủ chip, hãng xe Mỹ General Motors (GM) trong tháng này cho biết phải tạm ngừng hoạt động 3 nhà máy xe bán tải - dòng sản phẩm bán chạy nhất của hãng - ở Bắc Mỹ. Cũng vì lý do tương tự, tuần trước, hãng xe Nhật Toyota tuyên bố cắt giảm 40% sản lượng xe trong tháng 9.
Giá con chip tăng do thiếu cung đã đẩy tăng giá máy tính xách tay (laptop) - mặt hàng được mua nhiều do xu hướng làm việc từ xa trong đại dịch. Apple mới đây cảnh báo việc giá chip tăng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất iPhone trong quý 3/2021, sau khi đã ảnh hưởng tới việc sản xuất máy tính bảng iPad và máy tính Mac.
Tuy nhiên, với riêng TSMC, giới phân tích nói rằng việc tăng giá bán chip mang lại hai lợi ích cho công ty này. Trong ngắn hạn, giá cao sẽ kéo nhu cầu xuống và đảm bảo nguồn cung cho những khách hàng không còn lựa chọn khác. Trong dài hạn, doanh thu cao hơn sẽ giúp TSMC đầu tư mạnh vào mở rộng sản xuất.
Hãng chip này đã công bố kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD trong vòng 3 năm tới để mở các nhà máy và trung tâm nghiên cứu-phát triển (R&D) mới. Hãng hiện đang mở rộng năng lực sản xuất ở Nam Kinh, Trung Quốc và đã khởi công nhà máy chip 12 tỷ USD ở Arizona, Mỹ. Cũng theo các nhà phân tích, việc tăng giá chip sẽ giúp bảo toàn tỷ suất lợi nhuận cao của TSMC. Trong quý 2 năm nay, hãng này báo lãi ròng 4,8 tỷ USD trên doanh thu ròng 13,3 tỷ USD. Tỷ suất lợi nhuận ròng 35% của TSMC là ước mơ của hầu hết các công ty.
Công ty phân tích Bernstein dự báo đợt nâng giá chip này sẽ đưa doanh thu của TSMC tăng 10-15%, lợi nhuận tăng 20-30%, và kết quả sẽ thấy rõ trong quý 1/2022. Trước đại dịch Covid-19, TSMC có những đợt giảm giá định kỳ cho khách hàng lớn. Nhưng vào tháng 3/2021, hãng tuyên bố sẽ không còn chính sách này từ cuối năm nay. Liệu đây có phải là dấu chấm hết cho những nỗ lực cứu vãn tình thế của chính phủ các nước? Hãy đón đọc phần tiếp theo của Simply Invest nhé!